Phương châm công tác dân vận của Hồ Chí Minh và sự kế thừa, phát triển của Đảng ta tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
Phương châm công tác dân vận được Hồ Chí Minh khát quát trong tác phẩm “Dân vận”. Đây là bài báo được đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15 tháng 10 năm 1949. Đọc lại tác phẩm này cùng với nghiên cứu quan điểm của Đảng ta về dân vận hiện nay sẽ đưa lại cho chúng ta những nhận thức tuyệt vời về phương châm công tác dân vận mà người sáng lập và rèn luyện Đảng ta – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra và sự vận dụng sáng tạo, hợp lý, phù hợp xu thế hiện nay của Đảng tại Đại hội XIII (2021).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và tham gia tát nước chống hạn cùng nông dân xã Đại Thanh, Hà Đông (nay là Hà Nội), ngày 12/1/1958. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Mở đầu bài báo, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”(1). Trong bài báo, Người đã nhắc lại 4 vấn đề: “Nước ta là nước dân chủ”, “Dân vận là gì?”, “Ai phụ trách dân vận?”, “Dân vận phải thế nào?”. Logic trật tự các nội dung được Hồ Chí Minh triển khai, đó là muốn hiểu về dân vận và làm tốt công tác này thì phải nhận được sâu sắc, thấm nhuần vấn đề “Dân chủ”, từ đó Người đưa ra khái niệm “dân vận” và phương châm thực hiện. Sau đó, Người đưa ra lực lượng thực hiện và cuối chùng là cách thức thực hiện dân vận. Phương châm công tác dân vận được Hồ Chí Minh đưa ra trong nội dung thứ hai trong bài báo, tức là phần “Dân vận là gì?”.
Trong nội dung phần hai “Dân vận là gì”, Hồ Chí Minh đưa ra định nghĩa dân vận: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(2). Với định nghĩa ngắn gọn, hàm súc, Hồ Chí Minh đã nêu bật được cả chiều rộng và chiều sâu của công tác dân vận. Chiều rộng của công tác dân vận được thể hiện ở “không để bỏ sót người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”. Chiều sâu của công tác dân vận được thể hiện ở “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân”. Đồng thời, định nghĩa cũng đã chỉ rõ mục đích của dân vận. Dân vận khéo là để hướng tới “thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”. Và những công việc này được thực hiện không phải vì lợi ích của Đảng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cán bộ, đảng viên, mà là lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân. Thực hiện dân vận đảm bảo được cả chiều rộng và chiều sâu, đạt được mục đích thì “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”(3). Muốn dân vận hiệu quả thực sự trong thực tế thì cần thực hiện tốt phương châm công tác này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 4 khâu quan trọng.
Khâu thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”(4). Để dân có thể bàn bạc, góp ý, hiến kế… thì việc cho dân biết, dân hiểu là cực kỳ quan trọng. Dân cần được giải thích để hiểu rõ ràng: lợi ích của họ, nhiệm vụ của họ và tinh thần trách nhiệm của họ.
Khâu thứ hai, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương…”(5). Dân bàn là khâu tiếp theo của Dân biết. Tất cả mọi vấn đề đều cần được đưa ra cho đông đảo mọi người thảo luận, cùng ý kiến “Khôn bầy hơn khôn độc”. Mỗi một người thì chỉ nhìn được ở một hoặc vài khía cạnh. Nhiều người sẽ nhìn nhận, giải quyết vấn đề ở nhiều góc tiếp cận khác nhau. Từ đó, mỗi một công việc sẽ được đánh giá hết sức toàn diện.
Khâu thứ ba, “…rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”(6). Bao nhiêu lực lượng cũng ở nơi dân. Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Dân chính là lực lượng hiện thực hóa mọi chủ trương, đường lối trong thực tiễn. Do đó, Đảng và Chính phủ cần phải động viên nhân dân, tổ chức, lãnh đạo toàn dân thi hành. Trong quá trình đó không thể “bỏ rơi”, dân làm gì cũng mặc lòng. Muốn đạt được hiệu quả, thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra thì cần phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích họ.
Khâu thứ tư, “Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”(7). Mọi công việc sau khi kết thúc đều cần được “kiểm thảo”. Kiểm thảo có nghĩa là thảo luận xem có đúng hay không, để tìm nguồn gốc ưu điểm, khuyết điểm. Trên cơ sở đó sẽ rút được ra những kinh nghiệm quý báu để tránh sai lầm tương tự về sau. Đồng thời, có được căn cứ xác đáng để phê bình, khen thưởng, tạo động lực làm việc cho tất cả mọi người.
Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư của Đảng ta – đã rút ra năm bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, bài học thứ hai là về công tác dân vận: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng…”(8) .
Vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương châm công tác dân vận mà Người đưa ra trong bài báo Dân vận, kế thừa thành tựu, bài học kinh nghiệm qua các kỳ đại hội, Đại hội XIII đưa ra nhận thức quan trọng: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận. Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”(9). “Tiếp tục cụ thể hóa phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(10). Trong đó, Đại hội XIII nhấn mạnh đến tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” cũng chính là sự cụ thể hóa một bước thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt dân chủ ở cơ sở.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội XIII đã đặt ra thì chắc chắn Đảng ta cùng cả hệ thống chính trị cần thực hiện tốt công tác dân vận, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khơi gợi, phát huy ý chí, tinh thần, khát vọng đổi mới, sáng tạo của mỗi người dân. Muốn hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đã đề ra thì không cách nào khác phải cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả trong thực tiễn phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo quan điểm Hồ Chí Minh của Đảng ta trong bối cảnh hiện nay. Một lần nữa chúng ta lại thấy được giá trị vĩnh hằng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là biểu hiện của quan điểm trọng dân, vì dân mà lịch sử nhân loại và dân tộc Việt đã khẳng định từ xưa đến nay. Tin tưởng rằng với nhận thức đúng đắn như thế, cộng với sự quyết tâm trong hành động thực tiễn, Đảng ta sẽ chèo lái con thuyền đất nước, dân tộc đến bến bờ phồn vinh, hạnh phúc.
-----------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2011, tập 6, tr 232
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2011, tập 6, tr 232
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2011, tập 6, tr 232
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2011, tập 6, tr 233
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2011, tập 6, tr 233
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2011, tập 6, tr 233
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2011, tập 6, tr 233
8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.27
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 2, tr.248
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 2, tr.249
Ths. Nguyễn Bình Minh
Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
-
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tăng cường công tác kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu...
(31/12/2024 - 09:38)
Khai trương tủ sách chi bộ điện tử, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo
(26/12/2024 - 16:59)
Công tác Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng đến đổi mới phương thức, nội dung hoạt động đáp ứng...
(26/12/2024 - 16:13)
Nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên
(23/12/2024 - 16:37)
Năm 2025: Công tác tuyên giáo đổi mới và thách thức
(17/12/2024 - 08:49)
Đảng ủy thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ tổng kết công tác năm 2024
(13/12/2024 - 16:04)