Thực hiện đồng bộ “4 không” để phòng chống chống tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực
Tham nhũng, lãnh phí và tiêu cực vẫn là những thách thức lớn đối với sự phát triển của đất nước. Ngày 16/01/2025, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW đã đưa ra 4 chủ trương lớn nhằm giải quyết tận gốc vấn đề này: đẩy mạnh giáo dục liêm chính để cán bộ “không muốn tham nhũng”, tăng cường kiểm soát quyền lực để “không thể tham nhũng”, xử lý không khoan nhượng để “không dám tham nhũng” và cải thiện đời sống để “không cần tham nhũng”. Đây là chiến lược toàn diện nhằm xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
![]() |
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 |
1. Giải quyết tận gốc từ nhận thức: Chỉ thị 42-CT/TW nhấn mạnh rằng, để chống tham nhũng hiệu quả, cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức và ý thức của cán bộ, đảng viên. Chủ trương đầu tiên “không muốn tham nhũng” tập trung vào giáo dục các phẩm chất đạo đức cách mạng như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bộ Chính trị yêu cầu gắn việc học tập, rèn luyện đạo đức với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong công tác cán bộ. Việc tuyên truyền sâu rộng sẽ giúp cán bộ, đảng viên nhận thức rõ tầm quan trọng của liêm chính và tiết kiệm, từ đó tự giác thực hành trong công việc và đời sống hằng ngày. Đây là nền tảng để xây dựng một hệ thống chính trị trong sạch từ gốc.
2. Cơ chế chặt chẽ để ngăn chặn: Chủ trương thứ hai “không thể tham nhũng” được Bộ Chính trị xác định là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế và tăng cường kiểm soát quyền lực. Chỉ thị yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để không còn kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí. Việc xây dựng các quy định pháp luật minh bạch, cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức thành các chế tài rõ ràng sẽ là “hàng rào” ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Đặc biệt, người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng được yêu cầu nêu gương trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định, từ đó tạo tiền đề cho một môi trường làm việc không dung dưỡng tham nhũng.
3. Xử lý nghiêm minh, không khoan nhượng: “Không dám tham nhũng” là mũi nhọn thứ ba, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Chỉ thị nêu rõ, mọi vi phạm sẽ được xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đối tượng là ai, từ cán bộ cấp cao đến đảng viên thường. Thực tế thời gian qua cho thấy, dù tham nhũng đã có chiều hướng giảm, song vẫn còn nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Việc xử lý nghiêm khắc không chỉ là biện pháp răn đe mà còn củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định cam kết làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.
4. Đảm bảo đời sống, xóa bỏ động cơ tiêu cực: Cuối cùng, chủ trương “không cần tham nhũng” tập trung vào việc nâng cao đời sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Bộ Chính trị nhận định rằng, một bộ phận vi phạm pháp luật xuất phát từ áp lực kinh tế và đời sống khó khăn. Do đó, Chỉ thị yêu cầu các cấp chính quyền chú trọng cải thiện phúc lợi, đảm bảo mức sống đủ đầy để cán bộ không còn lý do biện minh cho hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đây là giải pháp mang tính nhân văn, vừa giải quyết vấn đề từ gốc rễ, vừa tạo động lực để cán bộ, đảng viên cống hiến hết mình vì đất nước.
Để hiện thực hóa “4 không” trong phòng chống tham, lãnh phí, tiêu cực đi vào thực chất, Chỉ thị 42-CT/TW giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, từ Trung ương đến địa phương. Cơ quan Tuyên giáo (nay là Tuyên giáo và Dân vận) tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung Chỉ thị, trong khi Ủy ban Kiểm tra chịu trách nhiệm giám sát, xử lý vi phạm. Các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, pháp luật và cải cách hành chính. Đặc biệt, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được nhấn mạnh trong việc vận động Nhân dân tham gia giám sát, xây dựng văn hóa liêm chính.
Có thể khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn toàn diện và quyết tâm cao độ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thời gian tới. Đây không chỉ là đường lối mới mà còn là lời cam kết mạnh mẽ để xây dựng một đất nước phát triển bền vững, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việc triển khai đồng bộ “4 không” trong phòng chống tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực sẽ là chìa khóa để Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Đình Linh
Nguồn tài liệu tham khảo
1. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/01/2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
2. Tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.