CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

ĐẢNG BỘ TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định tiềm năng, nâng tầm hội nhập
Thứ ba, 22/4/2025

Phát huy nguồn lực đất đai phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Ba, 08/04/2025 - 13:52
Đọc bài viết In bài E-mail - + - + Chia sẻ

Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn lực to lớn của đất nước. Đất đai có những tính chất rất đặc trưng. Đó là nguồn tài nguyên có giới hạn về số lượng, không có khả năng tái tạo. Đất đai luôn có vị trí cố định, không thể di chuyển theo ý muốn của con người. Đất đai là tư liệu sản xuất không gì thay thế được, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp. Thực tiễn cho thấy, đất đai là điều kiện vật chất cần thiết đối với mọi ngành sản xuất và hoạt động của con người.

Trong hệ thống lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đất đai được xem là một tư liệu sản xuất đặc biệt. Quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về đất đai tập trung vào vấn đề sở hữu, quan hệ sản xuất và cơ chế phân phối giá trị thặng dư từ đất đai. Theo C. Mác, đất đai không phải là sản phẩm do con người tạo ra mà là một phần của tự nhiên, song lại đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy, đất đai không thể trở thành tài sản tư nhân theo nghĩa tuyệt đối mà cần được quản lý để phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội. Chủ nghĩa tư bản xác lập chế độ chiếm hữu tư nhân về đất đai, điều này dẫn đến tình trạng bóc lột địa tô tư bản chủ nghĩa. Ngược lại, chủ nghĩa xã hội chủ trương xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, thay thế bằng sở hữu toàn dân hoặc sở hữu tập thể dưới sự quản lý của Nhà nước. Việc quản lý đất đai theo mô hình này nhằm đảm bảo sự công bằng trong khai thác và sử dụng tài nguyên đất, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội.

Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bảo đảm định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (Ảnh minh họa)

 

Dựa trên nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, chính sách đất đai của Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm công bằng trong sử dụng đất đai, đồng thời hạn chế sự phân hóa giàu nghèo do tư hữu hóa đất đai. Trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về đất đai.

Thứ nhất, đối với các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.
Năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, với quan điểm chỉ đạo là phải khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.

Các văn kiện Đại hội Đảng, đặc biệt từ Đại hội VI (1986) đến nay, đều có những nội dung quan trọng về đổi mới quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp và thị trường bất động sản. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng khẳng định: “đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Thứ hai, đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Các Hiến pháp năm 1980, 1992 đều quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện quản lý. Hiến pháp 2013 hiện nay tiếp tục khẳng định nguyên tắc này và mở rộng quyền của người sử dụng đất.Luật Đất đai các năm 1993, 2003, 2013 là những dấu mốc quan trọng trong việc điều chỉnh quan hệ đất đai. Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 có nhiều nội dung cải cách về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phát triển thị trường quyền sử dụng đất.

Như vậy, chính sách đất đai của Việt Nam phản ánh quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về việc quản lý đất đai theo nguyên tắc sở hữu toàn dân, sử dụng đất hiệu quả, đảm bảo công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng diện tích tự nhiên theo đơn vị hành chính là 198.256 ha. Trong đó, nhóm đất nông nghiệp có diện tích 144.303 ha, chiếm 72,79% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; nhóm đất phi nông nghiệp có diện tích 52.710 ha, chiếm 26,59% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; nhóm đất chưa sử dụng có diện tích 1.243 ha, chiếm 0,63% tổng diện tích tự nhiên của Tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để quản lý đất đai, như Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND ngày 17/9/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 38/2019/QĐ-UBND về bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024; Quyết định số 30/2024/QĐ-UBND ngày 09/10/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quyết định số 32/2024/QĐ-UBND ngày 10/10/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 25/6/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về danh mục bổ sung dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ; Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND ngày 17/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Những văn bản này thể hiện nỗ lực của Chính quyền địa phương tại Tỉnh trong việc quản lý đất đai một cách hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững và hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Quang cảnh Hội nghị triển khai Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định quy định chi tiết thi hành

 

Năm 2024, công tác quản lý đất đai tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài nguyên. Tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách đất đai. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tiếp tục được đẩy mạnh, với tổng diện tích đã cấp đạt 99,36% trên tổng diện tích cần cấp. Tỉnh cũng đã hoàn thành Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, xác định và bàn giao mốc giới cho hầu hết các đơn vị liên quan. Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện được xây dựng, phê duyệt theo đúng quy định, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển kinh tế - xã hội. 

Việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng được cải thiện đáng kể, với hơn 99% hồ sơ được xử lý đúng hạn. Kết quả này không chỉ thể hiện quyết tâm của chính quyền tỉnh trong công tác quản lý đất đai mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của địa phương. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý đất đai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
 
Một là, tiến độ đưa đất ra đấu giá còn chậm so với kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Một số khu vực vẫn tồn tại các vụ khiếu nại, khiếu kiện chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn trong công tác bàn giao đất và tổ chức đấu giá. Việc xử lý các bản án liên quan đến tranh chấp đất đai cũng chưa hoàn tất, làm ảnh hưởng đến quá trình thu hồi và bố trí lại quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Hai là, việc bố trí vốn để bồi thường cho các trường hợp thu hồi đất theo quyết định của tòa án vẫn còn chậm trễ. Một số trường hợp lấn chiếm đất đai chưa được xử lý triệt để, gây khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả. Tình trạng chậm thu hồi đất quốc phòng tại một số khu vực chưa hoàn tất, ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch và sử dụng đất theo kế hoạch chung của Tỉnh.

Ba là, sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong việc triển khai các dự án đầu tư liên quan đến sử dụng đất vẫn còn thiếu đồng bộ, làm chậm tiến độ thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Những hạn chế trong công tác quản lý đất đai tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến các nguyên nhân chính như sau: Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 bị chậm so với kế hoạch; việc xác định giá khởi điểm để đấu giá đất không đúng theo kế hoạch do quy hoạch chi tiết bị chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ đấu giá và thu ngân sách từ đất; một số khu đất đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ đất; bố trí nguồn vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo các bản án của tòa án còn chậm, gây đình trệ trong công tác giao đất và triển khai các dự án…

Những nguyên nhân trên đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để khắc phục:

Thứ nhất, cần cải thiện quy trình đấu giá đất và xử lý tranh chấp. Để giải quyết tình trạng chậm trễ trong việc đưa đất ra đấu giá, cần nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên môn trong việc thẩm định và xác định giá khởi điểm đất đai. Cải tiến thủ tục hành chính và giảm thiểu các bước trung gian sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện đấu giá, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển các dự án đầu tư. Các vụ khiếu nại, khiếu kiện về đất đai cần được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, đặc biệt là những vụ đã kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao đất và tổ chức đấu giá. Các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn để giải quyết triệt để các tranh chấp đất đai, bảo đảm quyền lợi cho người dân và nhà đầu tư.

Thứ hai, về vấn đề bồi thường, các cơ quan chức năng cần chủ động bố trí nguồn vốn đầy đủ và kịp thời để thực hiện bồi thường cho những trường hợp thu hồi đất theo quyết định của tòa án. Cần có cơ chế giải quyết hợp lý đối với các dự án chậm bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bị ảnh hưởng. Việc xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai cần phải được thực hiện kiên quyết, không để kéo dài, gây khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng đất.

Thứ ba, để giải quyết tình trạng chậm thu hồi đất quốc phòng, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh và Bộ Quốc phòng để đảm bảo việc bàn giao đất tái định cư cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được thực hiện đúng tiến độ.

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong việc triển khai các dự án đầu tư. Cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung về đất đai, từ đó giúp các cơ quan dễ dàng phối hợp, cập nhật thông tin và triển khai công tác quản lý đất đai hiệu quả hơn.
Thứ năm, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý đất đai. Các cán bộ cần được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để xử lý các vấn đề phức tạp về đất đai, bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc.

Việc triển khai những giải pháp đồng bộ, quyết liệt nêu trên sẽ giúp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước khắc phục được các tồn tại trong công tác quản lý đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và ổn định, đảm bảo sử dụng đất một cách bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới.

ThS. Nguyễn Hoàng Long


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sở Tài nguyên và Môi trường (2024), Báo cáo số 436/BC-STNMT ngày 17/12/2024 về tổng kết công tác năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

2. Nguyễn Phú Trọng (2022), Phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, hoàn thiện và xem xét, quyết định những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước, Tạp chí Cộng sản, số 990.

3. Quang Vũ (2024), Thống kê đất đai để phát triển bền vững, Báo điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, https://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202411/thong-ke-dat-dai-de-quan-ly-ben-vung-1026674/index.htm.


Đánh giá: