CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

ĐẢNG BỘ TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định tiềm năng, nâng tầm hội nhập
Thứ ba, 22/4/2025

Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số - Cầu nối giữa   Đảng và chính quyền với đồng bào dân tộc

Thứ Sáu, 04/04/2025 - 18:50
Đọc bài viết In bài E-mail - + - + Chia sẻ

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Châu Đức ngày một phát triển. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực vượt khó vươn lên của đồng bào, trong đó có sự đóng góp công sức khổng nhỏ của những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, những người làm cầu nối đưa Đảng và chính quyền về gần với đồng bào.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Đức có có 13 dân tộc anh em sinh sống với 2.222 hộ và gần 9.500 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ khoảng 6% dân số toàn huyện. Trong số ấy có 17 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, người có uy tín đã tham gia tích cực và có đóng góp vào việc triển khai các chương trình, đề án, chính sách của tỉnh và huyện, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng và nông thôn mới tại địa phương. 

Một lễ hội của đồng bào dân tộc Châu Ro

 

Tại khu đồng bào dân tộc ở thôn Tân Giao, xã Láng Lớn, hầu hết người dân đều biết và yêu mến anh Ìn Si Cẩu. Không chỉ là người có uy tín trong đồng bào, anh còn năng động trong phát triển kinh tế và công tác xã hội ở địa phương. Anh Ìn Si Cẩu, 45 tuổi, là người dân tộc Hoa. Khi 13 tuổi, gia đình anh từ tỉnh Đồng Nai đến xã Láng Lớn, huyện Châu Đức để lập nghiệp. Anh đã gắn bó, dành trọn tình cảm cho mảnh đất mà anh xem như quê hương thứ hai này. Thôn Tân Giao có 412 hộ dân, trong đó 108 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, 20 hộ dân tộc Hoa. Do luôn nhiệt tình, gương mẫu trong các phong trào, cuộc vận động của địa phương, năm 2015 đến nay, anh được tín nhiệm bầu làm Phó trưởng thôn Tân Giao, Tổ trưởng Tổ đoàn kết dân cư. Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi giỏi, anh còn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, đặc biệt là công tác xây dựng nông thôn mới. Con đường ở tổ 4 thôn Tân Giao trước đây rộng chưa tới 3m. Khi chính quyền vận động các gia đình hiến đất mở rộng đường, gia đình anh đã chủ động lùi vào 4m. Tổng diện tích đất gia đình anh hiến làm đường hơn 700m2. Noi gương anh, các hộ dân xung quanh cũng chủ động hiến đất mở đường. Nhờ sự đồng lòng của người dân, từ con đường nhỏ hẹp đã trở thành đường rộng hơn 7m, được bê tông hóa vào năm 2020. Sau đó, anh lại tiếp tục vận động người dân chung tay xây dựng các tiêu chí của một xã nông thôn mới nâng cao.

Cùng với chính quyền và các đoàn thể tại địa phương, anh vận động người dân đóng góp, nhà hảo tâm ủng hộ để thực hiện tuyến đường hoa tại tổ 4. Đường nhựa rộng, thoáng dài hơn 1,2km, hai bên hoa mười giờ, dừa cạn… nở rực rỡ. Những ngày lễ, tết, người dân hai bên đường còn treo cờ Tổ quốc đều tăm tắp, trang trọng. Gần đây nhất, anh và trưởng thôn tiếp tục vận động lắp đặt 55 đèn năng lượng mặt trời (tổng trị giá hơn 82 triệu đồng).

Anh Ìn Si Cẩu trao đổi với người dân về mô hình điện năng lượng mặt trời

 

Cũng là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Châu Ro ở thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, anh Đào Văn Tâm, 50 tuổi, cho hay, trước đây bà con vùng đất Lồ Ồ chỉ canh tác lúa 1 vụ. Để tăng năng suất, chất lượng nông sản, chính quyền và người có uy tín trong đồng bào đã khuyến khích bà con mạnh dạn đầu tư máy móc thay thế sức kéo của con trâu, con bò, đưa nước vào đồng ruộng để canh tác 2 vụ. Nhờ vậy mà bà con đồng bào tăng thêm thu nhập, kinh tế cải thiện rõ rệt.

​​​​​​​
Anh Đào Văn Tâm mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi heo 

 

Anh Tâm nói: "Năm 2000 bà con đồng bào ở đây chỉ làm một vụ lúa, không đủ ăn. Sau này mới mạnh dạn vay tiền nhà nước mua máy tuốt lúa, máy cày đưa vào để kịp thời vụ. Mình làm thấy có hiệu quả cũng hướng dẫn bà con làm theo mình, đến thời điểm này bà con đã biết sản xuất lúa 2 vụ được 25 năm".

Bà Đào Thị Dương, 63 tuổi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Châu Ro ở thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc chia sẻ, khi nhà nước triển khai mở rộng con đường từ trị trấn Ngãi Giao dẫn vào xã Đá Bạc, con đường đi qua thôn Lồ Ồ và gia đình bà là hộ đầu tiên hiến đất làm đường. Thấy bà gương mẫu đi trước, nhiều gai đình đồng bào Châu Ro trong vùng cũng tự nguyện chặt bỏ cây trái, hoa màu để hiến đất làm đường. Có đường mới khang trang, bà con ở đây rất phấn khởi, tập trung phát triển kinh tế gia đình,  không còn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.

​​​​​​​​​​​​​​
Con đường thẳng tắp vào thôn Lồ Ồ

 

Bà Đào Thị Dương phấn khởi nói: "Trong vùng có nhiều người không chịu hiến đất làm đường, nên tôi và nhiều bà con ở đây vận động viên họ và do đó mới làm được con đường. Sau có đường, bà con được cung cấp vật nuôi, được vay vốn đầu tư sản xuất, làm ăn và xây dựng nhà cho bà con. Bây giờ đời sống của bà con đổi mới rất nhiều, không còn trong chờ và ỷ lại từ nhà nước mà tự giác làm ăn, dẫn đến bộ mặt của Lồ Ồ đã thay đổi".

Ông Đỗ Chí Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, cùng với xây dựng chính quyền, ngày nay đồng bào dân tộc cũng tham gia vào công tác quản lý, điều hành. Đặc biệt, tại các trường học đã có những hiệu trưởng là người đồng bào dân tộc Châu Ro, về công tác xã hội thì họ cũng tham gia vào các Trung tâm văn hoá. Ở cấp huyện thì đồng bào cũng có cán bộ chính sách, khi có họ tham gia thì các chính sách được triển khai tốt người dân. Người có uy tín đã phát huy vai trò bằng tiếng nói, hành động của mình, trở thành cầu nối quan trọng giúp chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng kịp thời và hiệu quả.

Có thể nói, nhiều năm qua người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Châu Đức là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của cộng đồng dân tộc tiểu số ở địa phương. Việc phát huy vai trò của họ sẽ góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

                Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện uỷ Châu Đức
 


Đánh giá: