CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

ĐẢNG BỘ TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định tiềm năng, nâng tầm hội nhập
Chủ nhật, 6/10/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Người cộng sản kiên trung vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam

Chủ Nhật, 21/07/2024 - 09:16
Đọc bài viết In bài E-mail - + - + Chia sẻ

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Nắm chắc tinh thần bất diệt ấy, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới đất nước đã tiếp tục vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử vào thực tiễn cách mạng nước ta hết sức phù hợp, sáng tạo. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề cập đến sự vận dụng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở 5 quan điểm (quan điểm khách quan, quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể, quan điểm phát triển và quan điểm thực tiễn) trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. 


Thứ nhất, quan điểm khách quan.

Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, con người cần tôn trọng quan điểm khách quan. Đó là phải nhận thức sự vật như nó vốn có, không “tô hồng, bôi đen”. Bởi bất cứ một sự “tô hồng” hoặc “bôi đen” nào, dù nhỏ nhất cũng không phản ánh đúng bản chất sự vật, từ đó dẫn tới sai lầm trong hoạt động cải tạo. Bất kì hoạt động thực tiễn nào cũng phải xuất phát từ thực tế khách quan, tôn trọng khách quan, hành động theo quy luật khách quan. Quan điểm khách quan yêu cầu trong hoạt động thực tiễn phải biết phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức trong cải tạo thế giới. Tức là tích cực vươn lên, phát huy tối đa lực lượng vật chất hiện có. Nhưng cũng phải tránh không rơi vào chủ nghĩa khách quan. Tức là không trông chờ thụ động, ỷ lại điều kiện khách quan; khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghiên cứu, đánh giá, đưa ra nhận định, chỉ đạo trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam trên cơ sở quan điểm khách quan. Đặc biệt nhất là trong đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. 

Trong đấu tranh, xử lý tham nhũng, Tổng Bí thư yêu cầu phải “xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại và nguyên nhân để đánh giá khách quan, toàn diện trong tổng hoà các mối quan hệ; từ đó xác định đúng bản chất của vụ việc, hành vi sai phạm, lỗi, động cơ, mục đích…”(1).

Tổng Bí thư khách quan trong đánh giá hạn chế, tồn tại trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Với tinh thần thẳng thắn, đánh giá đúng thực tế: “Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội…”(2).

Đồng thời, Tổng Bí thư hết sức khách quan trong việc chỉ ra nguyên nhân của tồn tại, hạn chế: “Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc tính chất nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm; thiếu bản lĩnh, dĩ hoà vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí còn bao che cho người vi phạm…”(3).

Thứ hai, quan điểm toàn diện.

Quan điểm toàn diện yêu cầu khi xem xét sự vật phải xem xét tất cả các mặt, các yếu tố của nó, tuy nhiên phải có trọng tâm, trọng điểm; xem xét sự vật trong mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Muốn cải tạo sự vật thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; phải xác định, đánh giá đúng vị trí, vai trò cuả từng mối liên hệ đối với sự vận động, phát triển của sự vật.

Tính toàn diện thể hiện trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” nổi bật nhất là xác định phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc. 

Tính toàn diện thể hiện ở phạm vi, quy mô nghiên cứu, vận dụng lý luận là mang tính toàn cầu. Tổng Bí thư đưa ra cách hiểu về tham nhũng, tiếp cận trên nhiều quan điểm, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2023: “Tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của nhà nước để trục lợi riêng”(4).

Tính toàn diện thể hiện ở việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, không chỉ trong khu vực Nhà nước mà còn cả khu vực tư nhân, ngoài nhà nước. “Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng”(5).

Tính toàn diện thể hiện ở việc xác định đầy đủ mục tiêu tổng quát; tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt, nhân tố quyết định, sức mạnh động lực, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng... Quá trình xử lý được tiến hành đồng bộ giữa thi hành kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Kỷ luật Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự, kỷ luật của Đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật.

Tính toàn diện còn được thể hiện ở giải pháp đồng bộ: Thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự. Không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, làm nghiêm từ trên xuống dưới. Đảng ta đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi, lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước, từ tuyên truyền, giáo dục; hoàn thiện thể chế; công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát tài sản, thu nhập; cải cách hành chính đến phát hiện, xử lý, xây dựng cơ quan, đơn vị và cán bộ chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đó đảm bảo được bốn không: không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư hướng tới xây dựng “cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hoá liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực”(6).

Thứ ba, quan điểm lịch sử - cụ thể.

Quan điểm lịch sử - cụ thể đòi hỏi xem xét, nhận thức sự vật luôn gắn với điều kiện lịch sử cụ thể, mối liên hệ cụ thể, xác định trong không gian, thời gian xác định, cụ thể; tránh chung chung, đại khái.

Những bài phát biểu của Tổng Bí thư cụ thể, phù hợp với từng hội nghị, ở từng giai đoạn cụ thể. Tổng Bí thư xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tình hình thực tế. “Tham nhũng, tiêu cực xảy ra do các nguyên nhân chủ quan và khách quan nên việc xử lý phải hết sức biện chứng, chặt chẽ, phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể về tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm”(7)

Từ lúc còn là cán bộ công tác tại Tạp chí Cộng sản rồi trải qua nhiều cương vị khác nhau trong hệ thống chính trị cho đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, các tác phẩm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện rõ quan điểm, vai trò, nội dung, cách thức, phương pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp tình hình thực tiễn, điều kiện lịch sử từng giai đoạn, từng thời kỳ. 

Thứ tư, quan điểm phát triển.

Từ nguyên lý về sự phát triển, các nhà kinh điển Mác – Lênin đã rút ra ý nghĩa phương pháp luận là phải có quan điểm phát triển trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Khi nhận thức sự vật thì không chỉ nhận thức nó trong hiện tại mà còn phải thấy được khuynh hướng vận động, phát triển của nó trong tương lai. Từ đó dự báo tình huống có thể xảy ra để chủ động biện pháp giải quyết. Đồng thời, chống bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới. Phát triển bao gồm cả sự thụt lùi tạm thời. Khi gặp khó khăn, thất bại tạm thời phải biết tin tưởng vào ngày mai. Đồng thời chống thái độ “hư vô”, phủ định sạch trơn, biết sàng lọc những gì tích cực từ cái cũ. Chống bảo thủ, khư khư ôm lấy những gì đã lạc hậu, lỗi thời, không chịu đổi mới cho phù hợp thực tiễn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa và phát triển quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư đã trích dẫn rất nhiều lời huấn thị, nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Về bản chất, nói một cách nôm na, dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”(8). “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”; “giặc nội xâm”(9). Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lực lượng của cách mạng Việt Nam, sức mạnh cách mạng Việt Nam nằm ở trong Nhân dân, Tổng Bí thư xác định: “Sức mạnh và động lực to lớm của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân… Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công”(10)

Không chỉ kế thừa và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư còn kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng ta ở các Đại hội đại biểu toàn quốc. “Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: Tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước” (Đại hội VI);... Đặc biệt từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 01/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta…”(11).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích rõ những bước tiến mới về nhận thức trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Trước đây, chúng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về vật chất (kinh tế, tiền bạc), nay chúng ta quan tâm nhiều hơn, nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực, làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ như đã từng xảy ra trong thực tiễn lịch sử trên thế giới”(12). Từ đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Trước đây, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu tập trung vào các hành vi tham ô, chiếm đoạt, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản nhà nước. Nay không chỉ trong khu vực nhà nước mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước.

Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định không chỉ phòng, chống tham nhũng mà còn gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Bởi nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do đó, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức để đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc. Đó là lý do vì sao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực.

Phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “phải kế thừa và phát huy những kết quả, kinh nghiệm của các Ban Chỉ đạo trước, rút kinh nghiệm những gì chưa làm được, xác định rõ yêu cầu mới đặt ra và có sự phát triển thêm”(13).

Thứ năm, quan điểm thực tiễn.

“Lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”(14). Lý luận không được áp dụng vào thực tiễn là lý luận suông, đồng thời thực tiễn không có lý luận soi sáng là thực tiễn mù quáng. Do đó, trong hoạt động, chúng ta phải luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn tránh cả hai căn bệnh: bệnh lý luận suông và bệnh kinh nghiệm, tránh cả hai khuynh hướng: tuyệt đối hoá lý luận và tuyệt đối hoá thực tiễn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực trên cả bình diện lý luận và thực tiễn, nghiên cứu lý luận về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác này ở Việt Nam và trên thế giới; tổng kết thực tiễn để khái quát, rút ra nhận thức chân lý đúng đắn, xây dựng chủ trương đường lối, đưa ra chỉ đạo, quyết sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam. 

Đứng vững trên quan điểm thực tiễn, Tổng Bí thư đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Nổi bật lên đó là: (1) Nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để có quyết tâm chính trị cao, biện pháp đúng, hành động quyết liệt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nêu gương; (2) Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, vô cùng khó khăn, phức tạp, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ tiến hành toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; (3) Cán bộ là gốc của mọi công ciệc, là then chốt của then chốt, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chú trọng công tác cán bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (4) Phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh; (5) Kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước bởi tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; (6) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (7) Gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; (8) Giải pháp đề ra phù hợp bối cảnh, yêu cầu phát triển.

Quan điểm thực tiễn đòi hỏi trong công tác, mỗi cán bộ phải gương mẫu thực hiện phương châm “nói đi đôi với làm”, tư tưởng thống nhất với hành động. Do đó, trong tác phẩm, Tổng Bí thư khẳng định việc thực hiện phương châm này trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “…chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Tôi đã nhiều lần nói rằng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng…”(15)

Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” là sự thể hiện đậm nét của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng – một nhà cộng sản mácxít chân chính. Chính bởi sự tiếp cận xử lý, giải quyết vấn nạn tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam của Tổng Bí thư đứng vững trên phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử nên Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trên thực tế, được đông đảo Nhân dân ủng hộ, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tin tưởng với sự đúng đắn của hệ phương pháp luận khoa học; sự sáng suốt, trí tuệ, minh định, đầy quyết tâm và cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thổi ngọn lửa kiên trì, kiên định, kiên quyết cho toàn Đảng thời gian tới trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ này.

---------------------------------------

1. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.24
2. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.128
3. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.128
4. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.15
5. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.20
6. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.37
7. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.24
8. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.15
9. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.17
10. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.21
11. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.17
12. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.18
13. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.146
14. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.11, tr.95
15. Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.120

Ths. Nguyễn Bình Minh
Phó trưởng khoa Lý luận cơ sở, trường Chính trị tỉnh BR - VT
 


Đánh giá: