Bà Rịa-Vũng Tàu quan tâm hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở (Chỉ thị 06-CT/TW). Qua 20 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có chuyển biến rõ rệt về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến mọi người dân trong tỉnh, kể cả khu vực khó khăn, vùng xa trung tâm của các huyện, thị.
Sau 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của toàn ngành Y tế, sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mạng lưới y tế ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát triển theo hướng công bằng, hoạt động hiệu quả. Chất lượng cung cấp dịch vụ y tế được nâng lên. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai thực hiện tốt, các chỉ tiêu về y tế và chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở được cải thiện. Hiện nay, tổng nhân lực mạng lưới y tế cơ sở (tuyến huyện và tuyến xã) vào thời điểm năm 2002 là 768 (trong đó: Tuyến huyện có 578 và tuyến xã có 190 nhân lực); vào thời điểm năm 2022 là 1.553 (trong đó: Tuyến huyện có 857 và tuyến xã có 696 nhân lực). Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu bác sỹ ở tuyến xã. Đến cuối năm 2022 chỉ có 22/84 Trạm Y tế xã, phường có biên chế bác sĩ hoạt động (chiếm tỷ lệ 26,2%).
Về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và Chương trình mục tiêu y tế - dân số, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận với dịch vụ y tế cho mọi người. Hàng năm, ngành Y tế triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, dân số, y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, hoàn thành các chỉ tiêu về y tế đã đề ra và tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, thị, thành phố đã nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên thuộc các lĩnh vực khó đòi hỏi kỹ thuật cao...
Đối với tuyến xã, phường, thị trấn được quan tâm và từng bước được kiện toàn, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Do được đầu tư nâng cấp, tăng cường cán bộ, các Trạm Y tế đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ y tế. Đồng thời, các Trạm Y tế đã tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, đặc biệt phát huy sự chủ động, tích cực trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh thời gian qua. Quan tâm đầu tư kinh phí cho y tế cơ sở, trong những năm qua tỉnh đã ban hành các nghị quyết quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương hàng năm. Các nghị quyết theo từng năm của HĐND tỉnh liên quan đến ngành Y tế và định mức phân bổ chi thường xuyên về các thay đổi trong cấp kinh phí cho hoạt động thường xuyên hàng năm của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tính từ năm 2002 đến nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW còn một số hạn chế. Vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở, chưa chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát, nhận xét, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW tại cơ sở; trình độ, năng lực, quản trị của đội ngũ cán bộ quản lý y tế cơ sở có nơi còn yếu, thiếu quyết tâm trong công tác cải thiện, nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đội ngũ y, bác sỹ y tế cơ sở còn nhiều hạn chế về chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ Nhân dân còn thấp. Tỷ lệ đầu tư cho y tế cơ sở trong tổng chi ngân sách Nhà nước còn thấp; nhiều dịch bệnh xảy ra tại cộng đồng, công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Còn một số khó khăn về chính sách đất đai, phát triển mạng lưới y tế cơ sở phục vụ tốt cho người dân với chất lượng cao, chi phí thấp...
Nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới
Khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện, phát triển y tế cơ sở trong thời gian tới, cụ thể: (1) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tại tuyến y tế cơ sở. Cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từ tỉnh đến cơ sở tăng cường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu ở địa phương. (2) Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”; thực hiện một cách đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác y tế cơ sở. (3) Rà soát, bổ sung quy hoạch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ số thuốc cho y tế cơ sở; bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu khám chữa bệnh tuyến cơ sở của Nhân dân để người dân được tiếp cận thuận lợi, được hưởng các dịch vụ y tế cơ sở có chất lượng; phát triển cân đối, hợp lý giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, giữa y tế công lập và ngoài công lập tuyến cơ sở…(4) Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực của ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở; ưu tiên bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở phù hợp với chuyên môn được đào tạo và đáp ứng các các yêu cầu về khám, chữa bệnh của tuyến cơ sở; thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ, nhằm thu hút lực lượng y, bác sĩ có chuyên môn cao, khuyến khích cán bộ y tế về công tác tuyến cơ sở, đặc biệt đối với các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và các trạm y tế xã, phường, thị trấn; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức y tế sáng về y đức, thực hiện nghiêm 12 điều quy định về y đức, 10 điều dược đức. (5) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở. Bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho y tế cơ sở theo quy định của Chính phủ. Hoàn thành các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế. Khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập ở tuyến cơ sở theo quy hoạch và định hướng của tỉnh. Khuyến khích các hoạt động nhân đạo, từ thiện vì sức khỏe cộng đồng. (6) Tăng cường công tác y tế dự phòng cho tuyến cơ sở, hướng đến bảo đảm an ninh về y tế của đơn vị, địa phương để ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh.
Võ Doãn Kiên
(Nguồn: Báo cáo số 550-BC/TU, ngày 06/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW)