CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

ĐẢNG BỘ TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định tiềm năng, nâng tầm hội nhập
Thứ hai, 24/3/2025

Thành phố Vũng Tàu - Định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế trong tương lai

Thứ Tư, 05/03/2025 - 16:21
Đọc bài viết In bài E-mail - + - + Chia sẻ

Thành phố Vũng Tàu là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sở hữu tiềm năng và lợi thế to lớn trong phát triển du lịch. Với những bãi biển tuyệt đẹp và hạ tầng dịch vụ du lịch phát triển, Vũng Tàu đã trở thành điểm đến nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, giao thông kết nối dễ dàng và tiềm năng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, Vũng Tàu xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc khai thác hiệu quả vị trí chiến lược và hệ sinh thái biển phong phú nhằm mục tiêu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí và trải nghiệm của du khách là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn.

Trong giai đoạn 2020 - 2024, doanh thu từ lĩnh vực du lịch - thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng 73,3% trên tổng sản phẩm xã hội của thành phố Vũng Tàu, tạo cơ hội việc làm cho hơn 17.000 lao động. Riêng trong năm 2024, thành phố Vũng Tàu đón hơn 7,2 triệu lượt du khách, tăng 12,5% so với năm 2023. Tổng doanh thu từ du lịch, ăn uống đạt 9.900 tỷ đồng. Đây là những con số tăng trưởng rất ấn tượng, cho thấy thành phố Vũng Tàu ngày càng khẳng định thế đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhiều năm liền thành phố Vũng Tàu được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”.

Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Tuy nhiên, du lịch Vũng Tàu vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Dịch vụ du lịch chưa đạt tầm vóc của một đô thị du lịch trọng điểm; hoạt động du lịch còn mang tính mùa vụ; chất lượng dịch vụ và khả năng đón tiếp khách quốc tế, khách cao cấp còn hạn chế. Số lượng khách sạn 5 sao và khu nghỉ dưỡng hạng sang còn ít so với các điểm đến du lịch khác. Dịch vụ du lịch cá nhân hóa, đặc biệt cho du khách cao cấp, chưa phát triển mạnh. Hoạt động quảng bá du lịch chưa hiệu quả, chủ yếu tập trung vào phân khúc khách đại trà, ít chú trọng đến thị trường khách cao cấp và có thu nhập cao. Liên kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế; việc hợp tác với các đại lý du lịch cao cấp, khách sạn quốc tế hoặc thương hiệu xa xỉ chưa được đẩy mạnh. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp nhìn chung còn yếu, đặc biệt về khả năng ngoại ngữ và kỹ năng chăm sóc khách hàng.

Thời gian tới, mục tiêu đặt ra là phải phát triển thành phố Vũng Tàu thành đô thị du lịch biển hiện đại, đạt đẳng cấp quốc tế, trên cơ sở khai thác hiệu quả, bền vững các tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, văn hóa và kinh tế, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Phấn đấu đến năm 2050, thành phố Vũng Tàu trở thành đô thị du lịch biển hiện đại, phát triển toàn diện trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, có không gian sống xanh, sạch, đẹp, văn minh, là điểm đến hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Đến năm 2030, thành phố Vũng Tàu phấn đấu sẽ đón khoảng 11 - 12 triệu lượt khách (trong đó có hơn 1,690 triệu lượt khách quốc tế); tầm nhìn đến năm 2050, sẽ thu hút khoảng 33 - 51 triệu lượt khách du lịch (trong đó có khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế).

Dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân sẽ mang đến diện mạo mới cho khu vực Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu

 

Để đạt được những mục tiêu trên, thời gian tới, thành phố Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung cần quan tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ như sau:

Thứ nhất, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách. Để nâng cao sức hút của ngành du lịch, thành phố Vũng Tàu cần ưu tiên phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao và giải trí biển phù hợp với định hướng phát triển. Các khu phức hợp du lịch cần phải được xác định là các trọng điểm đầu tư, hướng đến việc cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế. Song song với đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử thông qua phát triển du lịch văn hóa, tâm linh cũng cần được chú trọng. Những điểm đến mang giá trị lịch sử hay các lễ hội truyền thống sẽ góp phần tạo dựng bản sắc du lịch riêng cho Thành phố. Ngoài ra, thành phố Vũng Tàu cũng cần tận dụng lợi thế về ẩm thực để xây dựng các khu phố du lịch, tổ chức lễ hội ẩm thực, tạo điểm nhấn đặc biệt thu hút khách tham quan. Việc phát triển du lịch mua sắm tại các trung tâm thương mại, phố đi bộ, chợ đêm với sản phẩm đặc trưng của địa phương cũng là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Thứ hai, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và bảo tồn di sản. Thành phố Vũng Tàu cần chú trọng hoàn thiện hệ thống giao thông nội thị và kết nối liên vùng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của du khách. Việc thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính vào các dự án phát triển du lịch quy mô lớn cần được đẩy mạnh. Các loại hình du lịch sang trọng, cá nhân hóa như khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn 5 sao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giải trí đạt chuẩn quốc tế sẽ giúp nâng tầm vị thế của thành phố.

Thứ ba, phát triển du lịch xanh, bền vững. Thành phố Vũng Tàu phải hướng đến xây dựng du lịch bền vững bằng cách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế phát thải, phát triển các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng và du khách về du lịch xanh, triển khai các chương trình bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái biển.

Thứ tư, phổ cập văn hóa du lịch và cải thiện môi trường du lịch. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về văn hóa ứng xử trong du lịch, xây dựng môi trường thân thiện, an toàn cho du khách. Thành phố cần triển khai các chính sách hỗ trợ cộng đồng trong việc làm du lịch, đào tạo kỹ năng phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cần có những giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự tại các khu du lịch nhằm tạo ấn tượng tốt trong mắt du khách.

Thứ năm, xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch. Thành phố Vũng Tàu cần xây dựng chiến lược quảng bá du lịch một cách bài bản, tập trung vào những yếu tố độc đáo và thế mạnh riêng biệt. Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu du lịch chuyên nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động quảng bá. Việc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại du lịch cũng là giải pháp quan trọng cần triển khai.

Thứ sáu, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chất lượng cao, Thành phố cần đầu tư mạnh vào đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp các cơ sở đào tạo du lịch hiện có. Cần chú trọng bồi dưỡng kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, kiến thức văn hóa - xã hội... nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách quốc tế; khuyến khích cán bộ, nhân viên trong ngành du lịch tham gia các khóa học nâng cao trình độ, hỗ trợ học bổng và chính sách đào tạo để nâng cao chất lượng nhân sự.

Thứ bảy, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Thành phố Vũng Tàu cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, cần xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp du lịch đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường; nâng cao vai trò của Hiệp hội Du lịch và các tổ chức doanh nghiệp trong việc hỗ trợ phát triển du lịch.

Thứ tám, tăng cường ứng dụng công nghệ hướng tới du lịch thông minh. Thành phố Vũng Tàu cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình số hóa ngành du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về tài nguyên du lịch, hệ thống lữ hành, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch. Việc thành lập các diễn đàn trực tuyến để du khách đánh giá chất lượng dịch vụ, góp ý về sản phẩm du lịch sẽ giúp nâng cao trải nghiệm và tạo sự tương tác tích cực giữa du khách và ngành du lịch thành phố.

Thứ chín, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của chính quyền Thành phố trong lĩnh vực du lịch. Chính quyền thành phố Vũng Tàu cần ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời, đảm bảo phát triển bền vững; đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ, quản lý điểm đến du lịch, bảo đảm môi trường an toàn, thân thiện cho du khách.

Với chiến lược phát triển đồng bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khóa VII đã xác định mục tiêu phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành một trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên sẽ giúp thành phố Vũng Tàu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương, xây dựng hình ảnh một Vũng Tàu hiện đại, thân thiện và đáng sống.

ThS. Nguyễn Hoàng Long


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kim Nguyễn (2025), Vũng Tàu tăng tốc phát triển du lịch – Hướng tới trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, Cổng thông tin điện tử Thành phố Vũng Tàu, https://vungtau.baria-vungtau.gov.vn/cong-khai-thong-tin-pho-bien/.

2. Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu (2017), Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030.

3. Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu (2025), Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/02/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 


Đánh giá: