Phát huy tinh thần ngày quốc tế phụ nữ 8/3 trong nâng cao hiệu quả thực tiễn công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) có nguồn gốc từ phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động tại các nước tư bản. Có tài liệu cho rằng lịch sử ngày 8/3 bắt nguồn từ sự kiện năm 1857, khi những nữ công nhân dệt may tại thành phố New York (Hoa Kỳ) tổ chức biểu tình để phản đối điều kiện làm việc tồi tệ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng lịch sử xác thực về sự kiện này. Mặc dù vậy, phong trào đấu tranh của phụ nữ tại Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trong thế kỷ XIX vẫn là tiền đề quan trọng cho những cuộc đấu tranh sau này.
Năm 1910, tại Hội nghị Phụ nữ Quốc tế ở Copenhagen (Đan Mạch), nhà hoạt động nữ quyền người Đức Clara Zetkin (1857 – 1933) đã đề xuất phải có một ngày để tôn vinh phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của hơn 100 đại biểu từ 17 quốc gia. Tuy nhiên, thời điểm đó ngày cụ thể vẫn chưa được ấn định.
Năm 1911, Ngày Quốc tế Phụ nữ lần đầu tiên được tổ chức tại một số quốc gia như Đức, Áo, Đan Mạch và Thụy Sĩ vào ngày 19/3 (chưa phải ngày 8/3 như hiện nay). Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ trên thế giới.
Năm 1917, trong Cách mạng Tháng Hai tại Nga, các nữ công nhân đã tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn vào ngày 8/3 để phản đối chiến tranh và với khẩu hiệu "bánh mì và hòa bình". Sự kiện này có tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng và góp phần đưa ngày 8/3 trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh của phụ nữ trên thế giới.
Năm 1977, Liên Hợp Quốc chính thức công nhận ngày 8/3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ, kêu gọi các quốc gia trên thế giới tôn vinh những đóng góp của phụ nữ và tiếp tục đấu tranh vì bình đẳng giới. Kể từ đó, ngày 8/3 trở thành một sự kiện mang tính toàn cầu để tôn vinh phụ nữ, hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng hơn.
Hiện nay, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là sự kiện quan trọng hằng năm với nhiều ý nghĩa sâu sắc về quyền bình đẳng giới, về sự ghi nhận và tri ân những đóng góp to lớn của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Phát huy tinh thần của ngày Quốc tế Phụ nữ, thời gian qua, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tỉnh ủy, Chính quyền tỉnh rất quan tâm việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động Phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo đó, thời gian qua hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có những kết quả rất quan trọng.
![]() |
Cán bộ hội, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh (Thành phố Vũng Tàu) hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” năm 2025 nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 |
Hiện phụ nữ Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm khoảng 50,42% tổng dân số của toàn tỉnh. Đây là một trong những lực lượng lao động nòng cốt của tỉnh (với 46% tổng số lực lượng lao động).
Năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Tỉnh. Hội đã thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với chủ đề năm “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”. Điều này đã tạo sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức hoạt động của Hội.
Công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành, các văn bản chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, của Tỉnh ủy được thực hiện bài bản. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần đảm bảo ổn định chính trị - xã hội.
Về phong trào thi đua, Hội đã triển khai đồng bộ các phong trào như "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên. Hội cũng đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, với hơn 692 tỷ đồng vốn vay được huy động, giúp hàng chục nghìn lượt hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động khởi nghiệp cũng diễn ra sôi nổi với nhiều hội thảo, cuộc thi và hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp nữ, hợp tác xã.
Công tác chăm lo đời sống hội viên, phụ nữ được chú trọng, đặc biệt với các nhóm phụ nữ yếu thế. Chương trình "Mẹ đỡ đầu" tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, hỗ trợ chăm sóc 647 trẻ mồ côi, với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng. Hội cũng phối hợp xây dựng 9 mái ấm tình thương, trao hàng nghìn suất học bổng và hỗ trợ phụ nữ nghèo tiếp cận các chính sách an sinh. Các chương trình về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em được triển khai mạnh mẽ.
Năm 2024 cũng ghi nhận dấu ấn của Hội trong ứng dụng công nghệ thông tin. 100% cơ sở Hội đã triển khai sử dụng mạng xã hội, tổ chức hội thi trực tuyến và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý hội viên. Những mô hình mới như "Tổ công nghệ số cộng đồng", "Chi hội 3 có, 3 biết" cũng được nhân rộng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội.
![]() |
Bà Lê Thị Kim Thu - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao tặng quà cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2025 |
Hội đã phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội với hàng trăm ý kiến đóng góp cho các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Hội cũng tổ chức nhiều hội nghị đối thoại giữa hội viên với cấp ủy, chính quyền.
Với những kết quả nổi bật trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội, là chỗ dựa vững chắc cho phụ nữ trên địa bàn. Song bên cạnh những kết quả đạt được, công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Trước hết, công tác tập hợp, thu hút hội viên chưa thật sự đồng đều, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, nơi phụ nữ lao động di cư sinh sống và làm việc. Một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ, chưa mặn mà với hoạt động Hội.
Thứ hai, việc triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động ở một số địa phương chưa thực sự sâu rộng, chưa tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Công tác tuyên truyền, vận động đôi khi còn mang tính hình thức, chưa có nhiều đổi mới về phương pháp tiếp cận.
Thứ ba, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, khoa học - công nghệ. Một số mô hình sinh kế chưa mang lại hiệu quả bền vững, khả năng nhân rộng chưa cao.
Thứ tư, công tác giám sát, phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em tuy đã có bước tiến nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng. Việc phát hiện và xử lý các vấn đề như bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em còn gặp trở ngại.
Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu xuất phát từ việc nguồn lực của Hội còn hạn chế, nhất là về nhân sự và tài chính. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Hội với các ban, ngành, đoàn thể đôi lúc chưa chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao. Ảnh hưởng của tình hình kinh tế - xã hội cũng khiến một bộ phận phụ nữ gặp khó khăn trong việc tham gia các phong trào Hội.
Phát huy tinh thần của ngày Quốc tế Phụ nữ, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần tiếp tục triển khai đồng bộ như sau.
Trước hết, cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng đến sự linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ. Hội cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong tuyên truyền, vận động, đồng thời phát triển các mô hình tập hợp hội viên theo sở thích, ngành nghề để nâng cao tính gắn kết.
Thứ hai, phải nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua và cuộc vận động, đảm bảo các hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế của phụ nữ. Các mô hình vận động phụ nữ cần được triển khai có chiều sâu, có cơ chế hỗ trợ cụ thể để đảm bảo tính bền vững. Hội cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp phụ nữ tiếp cận vốn, đào tạo kỹ năng và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Hội cần chủ động hơn trong việc phát hiện, phản ánh và đề xuất giải pháp đối với các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền phụ nữ và trách nhiệm của toàn xã hội trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác củng cố tổ chức Hội vững mạnh, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội, đảm bảo cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ. Hội cần chủ động tham mưu chính sách, huy động thêm nguồn lực để đảm bảo hoạt động và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của hội viên, phụ nữ.
Tóm lại, những kết quả đạt được trong năm 2024 là tiền đề quan trọng để Hội tiếp tục phát triển, đổi mới và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong những năm tiếp theo. Phát huy tinh thần ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tin tưởng rằng thời gian tới Hội Liên hiệp Phụ nữ sẽ tiếp tục phát triển lớn mạnh, khắc phục hiệu quả các hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu các cấp của Đảng, góp phần đưa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và đất nước nói chung tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn minh của dân tộc.
ThS. Trần Ngọc Sáng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dương Kim Anh (07/08/2014), Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và Phong trào Nữ quyền Thế giới: Bình đẳng cho phụ nữ là tiến bộ của tất cả chúng ta, Trang thông tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu, https://hpn.baclieu.gov.vn/-/lich-su-ngay-quoc-te-phu-nu-8-3-va-phong-trao-nu-quyen-the-gioi-binh-dang-cho-phu-nu-la-tien-bo-cua-tat-ca-chung-ta-787.
2. Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
3. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (24/10/2024), Báo cáo số 705/BC-BTV về kết quả công tác Hội và Phong trào Phụ nữ năm 2024 nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.